Xây dựng hệ thống Dolby Atmos cho rạp hát tại gia

Xây dựng hệ thống Dolby Atmos cho rạp hát tại gia

22/03/2017   |   Đăng bởi Admin

Xây dựng hệ thống Dolby Atmos cho rạp hát tại gia


Dolby Atmos được giới thiệu lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2012, là công nghệ âm thanh mới mang tính đột phá khiến thay đổi trải nghiệm của người dùng. Tại Việt Nam thì hiện mới có một số phòng chiếu trong hệ thống rạp chiếu phim CGV và Platium hỗ trợ định dạng âm thanh mới này. Tuy nhiên, cùng sự xuất hiện của các phim Blu-ray cùng âm thanh Dolby Atmos ngày một phong phú, thì tại sao chúng ta lại không tự xây dựng một hệ thống âm thanh tiên tiến cho rạp hát tại gia của mình.

Làm thế nào Dolby Atmos khác biệt so với hệ thống âm thanh channel-based thông thường

 

Dolby Atmos là hệ thống âm thanh rạp chiếu phim tại nhà đầu tiên được xây dựng không dựa trên cơ sở các kênh âm (channel-based), mà nó dựa trên cơ sở các chủ thể âm thanh (audio objects). Mọi âm thanh mà bạn có thể nghe thấy từ một cảnh phim như: tiếng la hét của đứa trẻ, tiếng còi xe, tiếng trực thăng cất cánh - đó đều là các chủ thể âm thanh. Các nhà làm phim sử dụng công nghệ Dolby Atmos có thể quyết định chính xác vị trí phát ra của âm thanh và đường đi của chúng ngay tại quá trình dựng cảnh.

Việc sử dụng công nghệ âm thanh Dolby Atmos cũng đã loại bỏ được rất nhiều hạn chế của công nghệ cũ. Ở các hệ thống channel-based, các nhà làm phim cần phải nghĩ về cách sắp đặt các bộ loa, phân vân xem âm thanh đó nên phát ra từ loa vòm bên trái hay bên phải? Còn với Dolby Atmos, nhà làm phim chỉ cần suy nghĩ về câu truyện mà họ muốn kể, nơi mà chủ thể sẽ đi tới. Và hệ thống âm thanh mới này, dù tại rạp phim hay tại nhà đều sẽ xác định một cách thông minh rằng loa nào sẽ được dùng để tái tạo âm thanh theo hướng đi chuyển của chủ thể đúng như ý định của nhà làm phim.

Dolby Atmos cũng linh hoạt và có tính thích nghi cao hơn so với các hệ thống channel-based trước đây. Ở các hệ thống cũ thì số lượng loa luôn là con số cố định, một hệ thống 7.1 luôn luôn bao gồm 7 loa con và 1 loa trầm. Nhưng với Dolby Atmos với sự linh hoạt tuyệt vời sẽ trái ngược hoàn toàn, bạn có thể có được toàn bộ trải nghiệm chỉ với 7 loa hoặc tăng thêm số lượng loa để có được âm thanh đầy đặn hơn, chi tiết hơn. Cùng với số lượng loa tăng thêm thì các receiver tương thích Dolby Atmos đều tự động xác định một cách thông minh về việc sử dụng chúng như thế nào để khiến bạn phải thấy như mình đang ở giữa từng cảnh phim.

Dolby Atmos cho phòng chiếu phim tại nhà?

 


Liệu công nghệ âm thanh mang tính đột phá Dolby Atmos có thể mang được về chính căn phòng của bạn hay không? Câu trả lời là: Có.

Đây cũng là điều mà Brett Crockett - Giám đốc cấp cao về nghiên cứu công nghệ âm thanh của Dolby, tự hỏi chính mình và cộng sự của ông cách đây hai năm về trước khi được giao nhiệm vụ phát triển Dolby Atmos cho rạp chiếu phim tại gia. Hai năm sau, nhóm nghiên cứu của ông rất vinh dự khi nói rằng họ đã hoàn toàn vượt qua được thử thách đó. Các bộ phim sắp tới phát hành dưới định dạng đĩa Blu-ray hoặc dưới dạng streaming sẽ có thêm một kênh âm thanh Dolby Atmos, thời điểm phát hành các phim đầu tiên sẽ là vào cuối năm 2014 và thật sự bùng nổ vào năm 2015. Các Hệ thống loa và AV receiver hỗ trợ atmos cũng đang dần có mặt trên kệ hàng của các nhà bán lẻ thiết bị âm thanh.

Thông thường mỗi một cảnh phim riêng rẽ đều có thể có đến 118 chủ thể âm thanh khác nhau. Mỗi một chủ thể đều được kèm theo bởi một metadata (siêu dữ liệu), bao gồm thông tin về vị trí và chuyển động của chủ thể, lượng thông tin đó là rất lớn.

Tại các rạp chiếu phim, dữ liệu âm thanh được đưa vào một bộ xử lý Dolby Atmos cinema rất tinh vi, để quyết định cách sử dụng kết cấu hệ thống loa tại rạp để tái tạo đúng vị trí từng chủ thể âm thanh theo thời gian thực. Tuy nhiên, dù cho bộ phim có được trình chiếu tại một rạp phim 3.000 ghế ngồi với 64 loa hay chỉ với vài loa trong căn phòng nhỏ xinh của bạn, thì các đặc tính về vị trí và chuyển động của các âm thanh đều như nhau. Vì vậy, với công nghệ âm thanh dựa trên chủ thể âm vô cùng linh hoạt và dễ thích nghi này, thì bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm âm thanh rạp phim ngay tại phòng mình chỉ bằng một số lượng loa khiêm tốn.

Vậy làm thế nào để đưa âm thanh Dolby Atmos từ các rạp phim với hệ thống loa tinh vi về với ngôi nhà thân yêu của bạn? 

 

Điều đầu tiên Dolby khẳng định là tất cả các chủ thể âm thanh được tạo ra dành cho phim chiếu rạp đều sẽ giống như phim chiếu tại nhà bạn, hoàn toàn không bỏ sót bất kỳ thứ gì. Nghe có vẻ khó tin? Nhưng thật sự là không có cách nào khác cả, mỗi một âm thanh được đưa vào cảnh phim đều có ý nghĩa của riêng nó, không thể bỏ đi một vài âm thanh khi không cắt đi vài nhân vật trong cảnh phim đó, do đó cả hai đều là cần thiết cho cả câu chuyện.

Tuy nhiên, để chuyển toàn bộ các chủ thể âm thanh trong phim vào vừa một chiếc đĩa Blu-ray hay dịch vụ streaming là một thách thức không nhỏ. Dolby đã phát triển một công nghệ mới với tên gọi spatial coding, cho phép mã hóa thông tin vị trí các chủ thể âm thanh hiệu quả hơn. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng việc phát triển công nghệ này đã mất nhiều năm trời, và nếu không có nó thì Dolby Atmos cũng không thể hiện hữu tại phòng chiếu phim nhà bạn. Thông qua spatial coding, toàn bộ các bản thu của Dolby Atmos đều được chuyển tới bạn trong phiên bản nâng cấp của Dolby TrueHD (định dạng âm thanh dùng trong đĩa Blu-ray), và Dolby Digital Plus (dùng trong các dịch vụ streaming). Nghĩa là bạn sẽ không cần phải lo lắng về việc tìm một đầu đọc Blu-ray mới để thay thế thiết bị hiện có của bạn chừng nào mà nó còn phù hợp với các chuẩn Blu-ray hiện tại.

Lắp đặt hệ thống loa

Nếu bạn đang sử dụng các hệ thống âm thanh vòm 5.1 hay 7.1, thì bây giờ là lúc cần nâng cấp thêm bằng việc đặt thêm một vài chiếc loa nữa. Một hệ thống loa Dolby Atmos cơ bản sẽ là 5.1.2 hay 7.1.2 với việc đặt thêm 2 loa gắn trần hoặc loa tích hợp công nghệ Dolby Atmos. Các loa tích hợp công nghệ Dolby Atmos (Dolby Atmos-enabled) có tác dụng giống như các loa gắn trần là phụ trách tạo ra các âm thanh ở tầm cao, xuất hiện phía trên đầu của người nghe, tuy nhiên các loa này không yêu cầu phải được gắn trên trần nhà mà sẽ được đặt ngay trên các loa chính. Các hãng loa cung cấp loại loa này có thể kể đến KEF, Onkyo, Atlantic Technology và Definitive Technology, Pioneer cũng có một số mẫu loa tháp hoặc loa bookshelf tích hợp cả loa chính và loa tầm cao trên cùng một thùng loa. Số lượng loa gắn trần hoặc loa tích hợp atmos càng nhiều thì trải nghiệm của bạn đối với âm thanh dolby atmos sẽ càng rõ rệt, các loa này sẽ đảm nhiệm vai trò mang âm thanh đến phía trên đầu bạn, một hệ thống dolby atmos cơ bản sẽ yêu cầu 2 loa và sẽ là 4 loa cho một hệ thống tiêu chuẩn. Và Dolby Atmos có thể hỗ trợ các hệ thống rạp hát tại gia lên đến 34 loa, với cách thiết lập 24.1.10: 24 loa trên vòm, một loa siêu trầm và 10 loa atmos.


Dưới đây là các thiết lập cấu hình dolby atmos và vị trí lắp đặt loa tương ứng khi kết hợp với các AV Receiver 7, 9 và 11 kênh âm thanh khác nhau.

A. Dolby Atmos kết hợp với Receiver 7 kênh
 


Cấu hình 5.1.2 với 2 loa tích hợp atmos (hình trái) hoặc 2 loa gắn trần (hình phải)



B. Dolby Atmos kết hợp với Receiver 9 kênh
 


Cấu hình 5.1.4 với 4 loa tích hợp atmos (hình trái) hoặc 4 loa gắn trần (hình phải)


Cấu hình 7.1.2 với 2 loa tích hợp atmos (hình trái) hoặc 2 loa gắn trần (hình phải)



C. Dolby Atmos kết hợp với Receiver 11 kênh
 


Cấu hình 7.1.4 với 4 loa tích hợp atmos (hình trái) hoặc 4 loa gắn trần (hình phải)


Cấu hình 9.1.2 với 2 loa tích hợp atmos (hình trái) hoặc 2 loa gắn trần (hình phải)



Giá tiền một cặp loa tích hợp Dolby Atmos có thể từ vài trăm hay tới vài nghìn USD, ví dụ như một cặp KEF's R50 Dolby Atmos-enabled speaker dạng module có giá vào khoảng 1.200 usd, Onkyo SKH-410 là 249 usd và Pioneer Elite SP-EBS73 Dolby Atmos-enabled Andrew Jones dạng Bookshelf có giá là 749 usd.


Bộ não của hệ thống Dolby Atmos 

Sau khi bạn đã lên được ý tưởng về hệ thống loa, bước quan trọng tiếp theo là bạn cần phải có được một bộ AV Receiver để giải mã tín hiệu âm thanh Dolby Atmos và xuất chúng ra hệ thống loa đã lắp đặt. Việc chọn lựa receiver sẽ căn cứ dựa trên số lượng loa trong hệ thống bạn, có những receiver chỉ hỗ trợ cấu hình 5.1.2 hoặc yêu cầu phải có thêm amply ngoài để có thể sử dụng được trong những cấu hình nhiều loa hơn. Căn cứ vào các cấu hình loa phía trên thì có thể nhận thấy số kênh âm thanh tối thiểu của receiver phải là 7 kênh. Và nếu bạn may mắn, thì với khả năng tương thích ngược của công nghệ âm thanh mới này, có khả năng AV receiver của sẽ được nhà sản xuất nâng cấp firmware của máy thay vì mua hẳn thiết bị mới để có thể giải mã được tín hiệu âm thanh Dolby Atmos.


Sau đây là một số mẫu AV receiver giải mã được dolby atmos của các hãng hiện có trên thị trường


Denon
 


Denon's 9.2-channel AVR-X5200W, tích hợp Wi-Fi, Bluetooth và hỗ trợ Dolby Atmos


Mẫu đầu bảng trong các reveiver của Amply Denon là AVR-X5200W, âm thanh vòm 9.2, hỗ trợ cấu hình Dolby Atmos 5.1.4 hoặc 7.1.2 với công suất 140w mỗi kênh, hay mở rộng tới 9.1.2 hoặc 7.1.4 bằng cách sử dụng thêm một amply ngoài. Mẫu receiver này còn hỗ trợ khả năng phát 4K trên cả 8 cổng vào và 3 cổng ra HDMI, 3D video pass-through, Wi-Fi tích hợp, Bluetooh, Airplay, DLNA và công cụ cân chỉnh Audyssey MultEQ XT32/LFC.

Mẫu AVR-X4100W, âm thanh vòm 7.2, hỗ trợ cấu hình Dolby Atmos 5.1.2 với công suất 125w mỗi kênh, mở rộng tới 5.1.4 hoặc 7.1.2 cùng các tính năng khác tương tư.

zalo